Support: | Hotline: 0988.757.896 | Email: info@hoabinhtechno.com |
Các công nghệ lọc nước
Công nghệ lọc thô (sơ cấp)
Công nghệ lọc thô hầu như có ở tất cả các thiết bị lọc nước hiện đại với nhiệm vụ ngăn chặn và loại bỏ các tạp chất có kích thước lớn trong nguồn nước gia đình bạn. Các máy lọc nước hiện nay thường có 2 lớp lọc thô bằng sợi hữu cơ tốt giúp cho các hệ thống lọc chất lượng cao hơn ở phía sau giảm bớt áp lực tinh lọc. Tuy cấu trúc kỹ thuật không có gì đặc biệt, nhưng đây lại là lõi lọc vô cùng quan trọng cần phải có.
Một điểm cần lưu ý là bạn phải thường xuyên cọ rửa lõi lọc thô vì rất nhiều cặn bẩn bám ở đó sau một thời gian sử dụng, hãy hỏi đại lý bán máy lọc nước về thời gian vệ sinh và tuổi thọ để xử lý và thay thế theo đúng quy trình.
Công nghệ lọc tinh (thứ cấp)
Lọc nước bằng than hoạt tính
Đây cũng là một công nghệ phổ biến trong các thiết bị lọc nước gia đình vì than hoạt tính có tác dụng giữ lại nhiều tạp chất nhỏ, ngăn chặn một số loại hóa chất (như Clo) trong nước mà lõi lọc thô không thể xử lý được, qua đó giúp giảm nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước.
Một số loại máy lọc nước cao cấp sử dụng tới 2 bộ lọc than hoạt tính để bảo đảm tỷ lệ lọc hiệu quả tối đa, qua đó giúp cho nguồn nước gia đình bạn thật sạch mà vẫn giữ được lượng muối khoáng cần thiết khi uống.
Lọc nước bằng Nano bạc
Công nghệ lọc Nano bạc sử dụng cấu trúc đặc biệt của tinh thể bạc Ag+ để bao vây và tiêu diệt vi khuẩn, công nghệ này kết hợp với các công nghệ lọc để loại bỏ tạp chất khác để tạo nên một bộ lọc đạt hiệu quả đối với nguồn nước sinh hoạt. Công nghệ Nano bạc thường được kết hợp với lõi lọc than hoạt tính để nâng cao hiệu quả tối đa trong việc xử lý tạp chất và diệt khuẩn.
Lọc nước bằng công nghệ trao đổi ion
Công nghệ trao đổi ion được dùng để “làm mềm nước”, hay nói cách khác là loại trừ các ion Canxi và Magie thường rất dồi dào trong nước. Bằng việc trao đổi ion hiệu quả, các ion Canxi và Magie sẽ bị giữ lại ở lớp lưới lọc ion, qua đó nguồn nước sẽ “mềm” và tốt cho sinh hoạt hơn. Công nghệ trao đổi ion không loại bỏ tạp chất và diệt khuẩn, nhưng bù lại nó sẽ giúp nguồn nước sinh hoạt tránh bị hao phí, tiết kiệm xà phòng, chất tẩy rửa khi bạn vệ sinh, giặt…
Công nghệ thẩm thấu ngược (RO)
Đây là một trong những công nghệ giúp loại bỏ hoàn toàn các tạp chất, vi khuẩn, hóa chất nhờ hiệu năng của màng thẩm thấu ngược (chỉ có 0,001 micromet) để đem đến cho bạn nước tinh khiết hoàn toàn. Công nghệ này sẽ giúp cho gia đình tiết kiệm tối đa nguồn nước sinh hoạt nhờ nước rất tinh khiết, nhưng ngược lại thì nó khiến nước uống của bạn sẽ không có chút muối khoáng nào. Nếu gia đình bạn thường xuyên uống và đun nấu bằng nước khoáng đóng chai thì đây là công nghệ hữu dụng giúp cho nguồn nước rất sạch.
Công nghệ tia cực tím
Tia cực tím có tác dụng diệt khuẩn rất tốt, vì vậy cũng là một công nghệ được dùng phổ biến để làm sạch nguồn nước nhà bạn. Hệ thống đèn cực tím (UV) sẽ phát huy hiệu năng cao khi chiếu vào nguồn nước trong bộ lọc để bảo đảm các vi khuẩn trong nước sẽ bị tiêu diệt, bảo đảm vô trùng mà vẫn giữ được lượng muối khoáng cần thiết. Tuy nhiên dùng công nghệ này sẽ phải tiêu thụ thêm điện năng ở các máy lọc.
Công nghệ màng siêu lọc UF
Đây là công nghệ sử dụng màng lọc siêu nhỏ để bảo đảm lọc hoàn toàn các tạp chất, vi sinh vật cực nhỏ trong nguồn nước gia đình. Khác với công nghệ RO, màng siêu lọc vẫn cho phép muối khoáng hòa tan trong nước đi qua để có thể sử dụng trong đun nấu, sinh hoạt rất tốt.
Vậy bạn nên lựa chọn công nghệ lọc nước nào?
Tùy vào nhu cầu và túi tiền của gia đình, bạn có thể lựa chọn cho mình một loại máy lọc nước phù hợp để giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm nước, bổ sung đủ muối khoáng cho cơ thể. Các công nghệ lọc tinh thường đi kèm với nhau, do đó bạn có thể yên tâm rằng một bộ lọc nước sẽ tương đối đa chức năng. Điều quan trọng nhất là bạn chọn công nghệ lọc cốt lõi nào
– Công nghệ Nano bạc(phát minh của những năm đầu thế kỷ 21-Tiên tiến nhất hiện nay, Được sử dụng ở Nga sau đó lan sang khắp Châu Âu và thế giới): Có tác dụng chính là diệt khuẩn, tất nhiên là bộ lọc có thể lọc bỏ khá nhiều loại hóa chất nhờ kết hợp các kết cấu lọc khác, nhưng đối với một số hóa chất đặc biệt thì thường khó xử lý hơn. Nếu nguồn nước nhà bạn tốt (được cung cấp theo chương trình nước sạch quốc gia) thì đây là công nghệ phù hợp.
– Công nghệ lọc RO(ra đời vào những năm 50 của thế kỉ XX, Được sử dụng ở Mỹ rồi lan sang các nước khác): Tính chất lọc quá mạnh của RO sẽ làm mất đi hết lượng muối khoáng cần thiết (nếu bạn sử dụng nước lọc làm nước uống), điều này về lâu dài sẽ không có lợi cho sức khỏe. Nếu nguồn nước nhà bạn lấy từ giếng và ở trong khu vực ô nhiễm thì nên sử dụng bộ lọc RO và uống nước khoáng đóng chai.
– Công nghệ tia cực tím: Tác dụng chính cũng là diệt khuẩn và hiệu quả rất cao, tuy nhiên nó lại đòi hỏi phải có nguồn điện để nuôi đèn tia cực tím. Đây cũng là công nghệ phù hợp với nguồn nước sạch do Nhà nước cung cấp.
– Công nghệ màng siêu lọc: Màng siêu lọc cũng rất hiệu quả đối với nguồn nước gia đình bạn mà không cần sử dụng điện, hơn nữa khả năng lọc các vật chất, vi sinh vật cực nhỏ giúp nó bảo đảm nước sạch và có đầy đủ muối khoáng. Đây cũng là công nghệ rất thân thiện với nhiều loại nguồn nước.
Khoa học phát triển, các công nghệ lọc nước cũng ngày càng phát triển cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của con người. Càng phát triển sau, càng hiện đại và tiên tiến hơn. Các công nghệ lọc nước ra đời sau có tính ưu việt hơn.